Vật liệu mới: Không thiếu nguyên liệu, chỉ thiếu chiến lược

Admin 26/12/2018

Một đoàn kiểm tra địa chất đang làm việc ở Kiên Giang.

Các vật liệu mới như sợi thủy tinh; composit; bông thủy tinh (cách âm, cách nhiệt, chống cháy); cáp quang; sứ cách điện cao thế; gốm kỹ thuật (chịu nhiệt, chịu mài mòn cao, gốm cách điện, gốm sinh học...) có nhu cầu sử dụng trong nước ngày một tăng, nhưng hầu hết vẫn phải nhập ngoại.

TS. Lê Văn Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam, cho biết: tại Việt Nam, sản lượng bình quân đầu người hàng năm về vật liệu composit sợi thủy tinh mới đạt 0,1 kg/người, trong khi bình quân các nước ASEAN khác là 4,4 kg/người.

Không thiếu “mỏ” nguyên liệu

Ở Việt Nam để sản xuất các loại vật liệu composit sợi thủy tinh thì có thể sản xuất ít nhiều các loại nhựa nền, còn sợi thuỷ tinh làm cốt sợi gia cường thì hoàn toàn phải nhập khẩu. Có thể khẳng định, thực tế trong cả nước cho đến nay vẫn chưa có nhà máy nào sản xuất được các loại vật liệu này. Cả nước chỉ có nhà máy xi măng trắng Thái Bình, công suất 25.000 tấn/năm.

Ngày 4/9/2008, Tập đoàn Ultra Pure Core (UPC) của Israel và Công ty Cổ phần Sợi Quang Việt ký kết hợp tác xây dựng tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (Bến Cát, tỉnh Bình Dương) nhà máy sản xuất cáp quang đầu tiên ở Đông Nam Á, với tổng vốn lên tới 150 triệu USD.

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân của thực trạng này là do ngành công nghiệp sản xuất vật liệu nói chung và sản xuất vật liệu mới nói riêng, đòi hỏi hai tiền đề quan trọng. Đó là nguồn nguyên liệu để chế tạo vật liệu và nguồn nhiên liệu để nung luyện sản phẩm. Về nguyên liệu để chế tạo vật liệu, cả nước có nhiều nguồn để cung cấp nguyên liệu thô, nhưng chế biến tinh lọc vẫn còn chưa được quan tâm đầu tư thích đáng.

Về nhiên liệu, phù hợp và kinh tế nhất là khí đốt thiên nhiên, nhưng khả năng tiếp cận với nguồn nhiên liệu này cũng đòi hỏi nhiều đầu tư, chỉ thuận lợi cho những nơi không quá xa các mỏ khai thác. Tuy nhiên, tiền đề để phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu mới tại một vài địa phương trong nước là hoàn toàn có thực.

Các chuyên gia xác nhận rằng cát trắng; cao lanh; sa khoáng titan... là những nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu mới, có rất nhiều tại không ít các địa phương trong cả nước có trữ lượng ít là hàng trăm triệu m3, chất lượng được đánh giá vào loại hàng đầu thế giới, với hàm lượng silicat 97-99%.

Từ nhiều năm qua, cát trắng khai thác từ các địa phương này đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, để trở thành các loại pha lê cao cấp, kính float, sợi thuỷ tinh, linh kiện điện tử kỹ thuật cao...

Titan, được xem là vật liệu của tương lai, vì có những tính năng ưu việt không kim loại nào có, ở Việt Nam ước tính cũng có trữ lượng khoảng 34,5 triệu tấn và đi kèm theo đó là khoảng 3,6 triệu tấn Zircon.

Những năm qua, nguồn sa khoáng titan cũng được khai thác và xuất khẩu thô sau khi sơ chế theo nhiều đường, nhiều cách, vừa gây thất thu ngân sách, vừa hủy hoại cảnh quan môi trường. Đồng thời hàng năm vẫn cứ phải nhập khẩu một lượng lớn các sản phẩm từ titan và hàng chục triệu USD/năm cho các sản phẩm zircon siêu mịn.

Cần một chiến lược phát triển

Do đó, để có thể phát triển lĩnh vực công nghiệp vật liệu, nhất là vật liệu mới; đảm bảo năng lực cạnh tranh của các sản phẩm tạo ra, cần thiết phải có một chiến lược về nguồn nguyên liệu.

TS. Lê Văn Thanh khẳng định, chúng ta không thể bán mãi nguyên liệu thô, mà cần áp dụng các công nghệ khai thác và chế biến tinh lọc tiên tiến, hiện đại, sao cho các nguyên liệu sau chế biến tinh lọc đạt tiêu chuẩn chất lượng cao đáp ứng cho sản xuất các sản phẩm đạt khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đây là một lĩnh vực công nghiệp có trình độ chuyên môn hóa rất cao, là một ngành công nghiệp độc lập theo thông lệ quốc tế.

“Quy hoạch nguồn nguyên liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng” mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã nêu rõ cần khuyến khích đầu tư mạnh vào lĩnh vực chế biến tinh lọc nguyên liệu này để đáp ứng cho các nhà sản xuất sản phẩm kính float, gạch gốm ốp lát, sứ vệ sinh. Đó là yêu cầu trước mắt, nhưng trong tương lai không xa cần đáp ứng được nhu cầu sản xuất các sản phẩm vật liệu mới như sợi thủy tinh, composit, linh kiện điện tử kỹ thuật cao.

Nhiều chuyên gia thừa nhận, cho tới thời điểm hiện nay, Quảng Trị là địa phương hội đủ các điều kiện ban đầu để có thể phát triển các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu mới. Đầu tiên là nguồn nguyên liệu tự nhiên có sẵn tại chỗ, đặc biệt là các mỏ cát trắng vừa có hàm lượng silic cao, vừa có trữ lượng hàng tỷ m3 tại khu vực Hải Lăng, Triệu Phong.

Việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến tinh lọc nguồn nguyên liệu này là hoàn toàn có thể. Quảng Trị có một lợi thế rất lớn mà các tỉnh miền Trung khác (nhất là các tỉnh có nguồn nguyên liệu cát trắng) không có, đó là ở vị trí mặt tiền cực Đông ngắn nhất thông ra biển Đông của Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) và hiện nằm trong ma trận phát triển kinh tế tổng hợp sôi động của toàn bộ tuyến EWEC.

Hiện nay đã có hàng trăm doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ đang quan tâm đầu tư vào khu vực này.

Nguồn nhiên liệu khí thiên nhiên cũng đầy triển vọng và lạc quan. Theo Tổng công ty Thương mại Dầu khí, chỉ cách bờ biển Quảng Trị khoảng 110 km, tại lô 113 có mỏ khí thiên nhiên mà trữ lượng lên tới 66-100 tỷ m3.

Nếu so với mỏ khí thiên nhiên ở vùng biển Tây Nam (cách bờ biển Cà Mau 289 km) chỉ có trữ lượng hơn 52 tỷ m3, trong đó Việt Nam chỉ hưởng 50%, thì nguồn khí tại lô 113 là rất lớn. Nó không những đảm bảo lâu dài cho yêu cầu nung luyện sản phẩm công nghiệp vật liệu mới, mà còn cho rất nhiều ngành sản xuất khác ở Quảng Trị và cả nước.

Hiện đã có Công ty Sibelco (Bỉ) đang tiến hành nghiên cứu để xây dựng nhà máy tuyển và nghiền cát silic. Với nguồn cát này cùng với nguồn nhiên liệu khí ngoài khơi được đưa vào bờ, việc xây dựng một nhà máy sản xuất đá ốp lát nhân tạo để xuất khẩu, cũng đã được Mine JSC nghiên cứu để lập dự án đầu tư. Đó là những tín hiệu vui báo trước tương lai phát triển công nghiệp vật liệu mới ở Quảng Trị.

www.congnghiepquocte.vn

Share :